Các bậc phụ huynh cảm thấy bực bội vì con mình kén ăn giờ đây có thể yên tâm rằng mình đã không làm gì sai. Theo các nhà khoa học, việc trẻ con từ chối ăn nhiều loại thực phẩm phần lớn là do gen chứ không phải do cách nuôi dưỡng.

Các nhà nghiên cứu đã điều tra thói quen ăn uống ở trẻ từ độ tuổi mới biết đi đến thanh thiếu niên và phát hiện ra rằng, mức độ kén ăn trung bình không thay đổi nhiều trong khoảng thời gian từ 16 tháng đến 13 tuổi. Có một mức "đỉnh điểm" về sự kén ăn ở trẻ bảy tuổi, và giảm dần sau đó.

Khi tìm hiểu về các động lực đằng sau tính kén ăn, nghiên cứu nhận thấy DNA nổi lên như một yếu tố chi phối. Cụ thể, sự khác biệt về gen giải thích được 60% sự khác biệt về sự kén ăn ở trẻ 16 tháng tuổi, tăng lên 74% và hơn nữa ở trẻ từ 3 đến 13 tuổi.

Hình minh họa. Nguồn: Alamy

Phát hiện này cho thấy việc chỉ ăn một số loại thực phẩm hạn chế và nhăn mặt trước viễn cảnh phải thử một món mới là do bẩm sinh hơn là do nuôi dưỡng. Nó cũng chỉ ra những khoảng thời gian khi các biện pháp can thiệp để khuyến khích chế độ ăn uống đa dạng có thể hiệu quả hơn.

Tiến sĩ Zeynep Nas - nhà di truyền học hành vi tại UCL, cho biết: “Điểm chính rút ra từ nghiên cứu này là sự kén ăn không phải là do cách nuôi dưỡngcon cái. Nó thực sự phụ thuộc vào sự khác biệt về mặt di truyền giữa chúng ta”.

Các nhà nghiên cứu cho biết các yếu tố khác ảnh hưởng đến những người kén ăn còn bao gồm môi trường sống, chẳng hạn như việc ngồi ăn cùng gia đình và các loại thực phẩm mà những người xung quanh tiêu thụ.

Nas và các đồng nghiệp đã phân tích dữ liệu từ nghiên cứu Gemini của Anh, trong đó ghi danh 2.400 cặp song sinh để tìm hiểu cách di truyền và môi trường ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em. Trong một phần của nghiên cứu, các bậc cha mẹ đã hoàn thành bảng hỏi về thói quen ăn uống của con mình khi được 16 tháng tuổi và một lần nữa khi con được 3, 5, 7 và 13 tuổi.

Để tìm ra yếu tố di truyền và yếu tố môi trường ảnh hưởng như thế nào đến việc kén ăn, các nhà nghiên cứu đã so sánh thói quen ăn uống của những cặp song sinh có chung 100% gen (song sinh cùng trứng) và những cặp song sinh có chung 50% gen (song sinh khác trứng).

Viết trên Tạp chí Tâm lý học và Tâm thần học Trẻ em, các nhà nghiên cứu mô tả thói quen kén ăn ở những cặp song sinh cùng trứng là tương đồng, trong khi ở những cặp song sinh khác trứng thì không. Đây là bằng chứng cho thấy di truyền là nguyên nhân chính cho tính kén ăn.

Nhưng môi trường cũng có vai trò. Những trải nghiệm mà cặp song sinh chia sẻ, chẳng hạn như loại thực phẩm thường ăn ở nhà, là một động lực thúc đẩy tính kén ăn khi chúng còn là trẻ mới biết đi. Trong độ tuổi từ 7 đến 13, những trải nghiệm cá nhân như có nhiều bạn bè khác nhau giải thích khoảng 25% sự khác biệt về mức độ kén ăn.

Các nhà nghiên cứu cho biết những trải nghiệm chung, chẳng hạn như ăn uống cùng gia đình, có ảnh hưởng lớn nhất đến trẻ mới biết đi, vì vậy việc cho trẻ ăn nhiều loại thực phẩm đa dạng hơn ở độ tuổi đó có thể hiệu quả nhất để hạn chế tính kén ăn.

Các nhà nghiên cứu nói thêm rằng mặc dù di truyền rõ ràng là quan trọng đối với tính kén ăn, nhưng cha mẹ không nên cảm thấy bất lực. "Di truyền không phải là số phận," Nas nhấn mạnh.


Nguồn: